Dù để lại nhiều di sản nặng nề, ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nông Đức Mạnh vẫn được trao Huân chương Sao vàng

Ngày 22/1, BBC Tiếng Việt bình luận “Tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh được trao Huân chương Sao vàng?”

BBC dẫn báo Nhân Dân cho biết, ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nông Đức Mạnh được trao Huân chương Sao Vàng, vì “có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc”.

BBC nhắc lại đánh giá của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh vào năm 2016, khi ông Nguyễn Tấn Dũng rời ghế Thủ tướng, cho rằng, ông Dũng “đã để lại những dấu ấn rất đậm nét về một thời kỳ hội nhập ngày càng sâu sắc”.

“Và ông Nguyễn Tấn Dũng cũng để lại một dấu ấn rất mạnh mẽ trong những phát biểu về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.”

Tuy nhiên, ông Doanh cũng nhắc tới điều được coi là “di sản nặng nề” của ông Dũng. Đó là, bội chi ngân sách, nợ công cao; rủi ro tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính…

BBC cũng nhắc đến bài viết về di sản 10 năm giữ chức của ông Dũng, do một hãng tin quốc tế ghi nhận, cũng vào năm 2016.

Bài viết đánh giá ông Dũng là một nhà hùng biện giỏi, có khả năng giao thiệp tốt, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam. Tuy nhiên, trong nội bộ Đảng, ông bị quy trách nhiệm về những thất bại của các doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ, bao gồm Vinashin, Vinalines.

Dưới thời ông Dũng, BBC cho biết, một loạt quan chức đã vào tù vì tham nhũng, như: ông Đinh La Thăng (với sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí); cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trong vụ MobiFone mua AVG; Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng với sai phạm ở Bộ Công thương…

Ông Nguyễn Tấn Dũng giữ chức Thủ tướng, từ năm 2006 – 2016, và được giới quan sát chính trị, chuyên gia trong và ngoài nước, đánh giá là nhân vật quyền lực số 1 trong giai đoạn này.

Khi đang ở đỉnh cao quyền lực, ông Dũng đã đối mặt với đối thủ chính trị của ông – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lý luận Cộng sản kiên trung.

BBC đề cập đến nhận định của Giáo sư Carl Thayer rằng, bản thân ông Dũng là một mối lo ngại (cho Đảng), vì ông coi Việt Nam là trên hết, chứ không phải Đảng là trên hết.

BBC cũng đề cập đến lời ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, nói rằng, chính ông Trọng đã cảnh báo về việc, ông Dũng và những thân hữu vô kỷ cương của ông đang làm suy yếu tính chính danh của Đảng.

Kể từ khi rời ghế Thủ tướng, ông Dũng ít khi xuất hiện trên truyền thông, hoặc các sự kiện của nhà nước mà có sự góp mặt của các cựu lãnh đạo. Nhiều người đã đặt câu hỏi về những bê bối tham nhũng và trách nhiệm của ông, trong thời kỳ ông làm Thủ tướng.

Sau khi ông Trọng qua đời vào tháng 7/2024, ông Dũng đã dần xuất hiện trở lại thường xuyên hơn.

BBC cho rằng, tấm huân chương “cao quý nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” do Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao cho ông Dũng, đã cho thấy quan điểm chính thức của Đảng về ông.

Điều này cũng có thể khép lại những mối đe dọa chính trị đối với ông và các thành viên gia đình ông, trong đó có 2 người con trai của ông.

Tương tự, vẫn theo BBC, ông Nông Đức Mạnh cũng từng bị đặt câu hỏi, khi có những bức ảnh chụp nhà riêng của ông, với nhiều đồ đạc màu vàng, chạm khắc tinh xảo. Ông không được đánh giá cao trong vai trò là người đứng đầu Đảng, nhưng tấm huân chương mới trao cho thấy, ông đã được Đảng nhìn nhận.

BBC cũng cho biết, Chủ tịch nước Lương Cường là người ký quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng cho 2 ông Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh.

Luật quy định, người ký quyết định sẽ là người trực tiếp trao tặng, tuy nhiên, tại sự kiện ngày 20/1, Chủ tịch nước Lương Cường có tham dự nhưng không trực tiếp trao tặng.

Thay vào đó, Tổng Bí thư Tô Lâm là người trao huân chương cho 2 vị cựu lãnh đạo.

 

Ý Nhi – thoibao.de